Tổng quan bệnh U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là gì? U nang buồng trứng là một loại khối u hình thành trong buồng trứng của phụ nữ, u có vỏ bọc bên ngoài và chứa dịch lỏng bên trong. U có thể phát triển từ các loại mô của buồng trứng hay từ mô của cơ quan khác.
Đây là loại khối u sinh dục rất phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ mắc bệnh là 3.6% trong số các bệnh lý phụ khoa, nhiều hơn bất kỳ khối u nào khác của đường sinh dục.
Giai đoạn đầu, bệnh tiến triển âm thầm nên khó được chẩn đoán sớm, chủ yếu là được phát hiện tình cờ qua thăm khám phụ khoa. Tuy nhiên, khối u ác tính thì tiến triển rất nhanh với các biểu hiện rầm rộ trên lâm sàng. Việc phát hiện sớm u nang buồng trứng có ý nghĩa rất lớn, giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm như u nang buồng trứng xoắn, ung thư buồng trứng, vô sinh, thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân bệnh U nang buồng trứng
- Về hormon: Các vấn đề liên quan đến hormone hoặc các thuốc hỗ trợ rụng trứng có thể làm xuất hiện khối u buồng trứng cơ năng.
- Mang thai: Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể xuất hiện tự nhiên một vài u nang buồng trứng để hỗ trợ bào thai cho đến khi nhau thai được hình thành. Đôi khi u cũng xuất hiện cho đến hết thai kỳ.
(Xem thêm: phòng khám 43 Nguyễn Khang)
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng.
- Nhiễm trùng vùng chậu: Nhiễm trùng buồng trứng, vòi trứng có thể xuất phát từ những nhiễm trùng ở vùng chậu, và có thể bị áp-xe hóa.
Triệu chứng bệnh U nang buồng trứng
U nang buồng trứng có dấu hiệu và triệu chứng gì? Phần lớn u nang buồng trứng không có dấu hiệu rõ ràng và đặc hiệu. Một số triệu chứng và dấu hiệu sau đây có thể gặp ở bệnh nhân u nang buồng trứng:
- Đau, nặng, tức vùng bụng dưới.
- Đau mơ hồ vùng thắt lưng, đùi hay vùng chậu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Chảy máu âm đạo bất thường.
- Tiểu khó hay đi tiểu nhiều lần.
- Tăng cân không rõ nguyên nhân.
- Căng tức ngực, đau nhức vú.
- Buồn nôn, nôn.
Đối tượng nguy cơ bệnh U nang buồng trứng
U nang buồng trứng có thể gặp ở phụ nữ thuộc bất kỳ lứa tuổi nào. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là giai đoạn dễ bị mắc bệnh nhất. U nang ít khi xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh.
Các yếu tố nguy cơ khác:
- Tiền sử bản thân có u nang.
- Tiền sử gia đình có người bị u nang buồng trứng.
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Thừa cân, béo phì.
Phòng ngừa bệnh U nang buồng trứng
- Hạn chế các các nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như: phòng ngừa các nhiễm khuẩn vùng chậu và điều trị sớm, triệt để khi có nhiễm khuẩn; kiểm soát cân nặng hợp lý; …
- Phụ nữ trưởng thành, đặc biệt là đối tượng nguy cơ của u nang buồng trứng nên đi khám phụ khoa định kỳ, ngay cả khi chưa có triệu chứng, để có thể phát hiện sớm u nang buồng trứng và có hướng xử trí kịp thời.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh U nang buồng trứng
- Một bệnh nhân nghi ngờ có u nang buồng trứng thường được bác sĩ khám vùng chậu trước khi được chỉ định làm các xét nghiệm.
- Siêu âm có phát hiện u nang buồng trứng? Thực tế sau khi khám lâm sàng, bác sĩ thường chỉ định Siêu âm để có thể phát hiện chính xác khối u nang buồng trứng. Một số trường hợp siêu âm không rõ ràng thì CT hay MRI trở nên có ý nghĩa trong việc chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm máu cũng có thể được chỉ định đối với một số loại u nang đặc biệt.
- Đối với các u nang lớn, kéo dài, nghi ngờ ung thư thì việc sinh thiết là hết sức cần thiết. Bác sĩ sẽ lấy ra một mẩu mô nhỏ và phân tích đặc điểm của chúng dưới kính hiển vi. Điều này giúp chẩn đoán phân biệt giữa một u nang buồng trứng lành tính với khối u buồng trứng ác tính.
Các biện pháp điều trị bệnh U nang buồng trứng
U nang buồng trứng điều trị như thế nào?
Tùy theo từng loại khối u (kích thước, tính chất, …) và nguyên nhân xuất hiện của u nang buồng trứng mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.
Khoảng 90% u nang buồng trứng ở phụ nữ trẻ là u nang cơ năng, nó không phải là ung thư, và thường tự biến mất sau khoảng 8 đến 12 tuần mà không cần điều trị.
Chỉ định phẫu thuật được đặt ra ở các bệnh nhân có:
· Khối u nang thực thể.
· Khối u nang có kích thước lớn.
· Khối u nang phức tạp.
· Khối u nang đã gây ra các triệu chứng rầm rộ.
· Bệnh nhân đã mãn kinh hoặc gần mãn kinh.
· Hội chứng buồng trứng đa nang.
· Bác sĩ đánh giá khả năng khối u là ác tính.
· U nang ở phụ nữ mãn kinh, phụ nữ không muốn sinh con nữa.
Đối với những bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, bác sĩ căn cứ vào đặc điểm của khối u và nguyện vọng sinh con của bệnh nhân, để có thể lựa chọn phương pháp mổ hở hay mổ nội soi, lựa chọn phẫu thuật triệt để cắt bỏ toàn bộ buồng trứng bên bệnh hay chỉ bóc tách khối u.
Tóm lại, u nang buồng trứng là một tình trạng rất thường gặp trong các bệnh lý phụ khoa. U nang buồng trứng ở phụ nữ trẻ phần lớn là u nang cơ năng, tự biến mất mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ u nang buồng trứng lâu ngày trở nên ung thư hóa, để lại những hệ lụy nguy hiểm. Vì vậy, phụ nữ trưởng thành nên được khám phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện sớm u nang buồng trứng cũng như các khối u sinh dục khác.
Nguồn: SanPhuKhoa.net